Đi chợ online: Xu hướng lên ngôi mùa dịch Covid-19
“Mua hàng online thì cũng chủ yếu mua ở những nơi quen, tin tưởng. Book online rồi nhận vào những giờ cố định như sau giờ đi làm. Hoặc như tuần này làm việc ở nhà thì mình cũng sẽ lựa chọn là book hàng online sau đó nhận ở tại sảnh”, chị Bùi Thanh Vân chia sẻ.
Từ khi tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, doanh thu của hệ thống cửa hàng Thực phẩm nông sản sạch Thanh Long (ở phố Vạn Bảo, quận Ba Đình, Hà Nội) giảm mạnh so với trước. Nắm bắt được tâm lý của khách hàng không muốn ra ngoài tiếp xúc với nhiều người, đơn vị đã đẩy mạnh bán hàng online qua Facebook và Zalo. Việc bán hàng trực tuyến hiện đang chiếm hơn 50% tổng doanh thu của cửa hàng. Theo anh Nguyễn Minh Long, chủ cửa hàng Thực phẩm nông sản sạch Thanh Long, hướng đi này đã giúp cho đơn vị đảm bảo doanh thu, nhờ đó tạo nên sự an tâm hơn cho khách hàng cũng như đội ngũ nhân viên.
“Trước đây, khách hàng chưa có thói quen tiêu dùng online cho lắm nhưng thời gian gần đây, dịch gia tăng thì khách hàng có thói quen tiêu dùng online rất nhiều và chúng tôi đang cố gắng đẩy mạnh hơn chương trình bán online nhiều hơn và chăm sóc khách hàng thường xuyên hơn để khách hàng biết đến và mua nhiều mặt hàng sản phẩm hơn”, anh Nguyễn Minh Long nói.
Không chỉ các cửa hàng lớn, hiện nay, việc kinh doanh online của các hộ kinh doanh nhỏ cũng được dịp nở rộ, nhất là với một số loại thực phẩm sạch được chế biến sẵn. Từ khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhu cầu đặt hàng các mặt hàng chế biến sẵn như: giò chả, lạc rang muối vừng, nem cuốn của cửa hàng Đặc sản truyền thống (ở phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội) đều tăng gấp đôi so với trước.
“Những món mình làm rất dễ bảo quản, tiện cho người dùng, rút ngắn thời gian của khách trong việc chuẩn bị cơm cho cả gia đình, đồng thời tránh khách phải ra ngoài tiếp xúc với nguy cơ lây lan Covid-19 rất cao. Để khách luôn theo mình và quan tâm đến món mình làm ra thì nguyên liệu phải chuẩn, có truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó là kỹ thuật nấu ra món phải kiên trì, có tâm mới hút được khách hàng”, chị Lê Ánh Nguyệt, chủ cửa hàng Đặc sản truyền thống cho hay.
Theo một số công ty phân phối thực phẩm qua sàn thương mại điện tử, các khâu trung gian đang khiến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao hơn khi đến tay người tiêu dùng. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm cũng bị ảnh hưởng do trải qua nhiều khâu vận chuyển và bảo quản.
“Thông qua việc kết nối trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thì chúng tôi có thể cân đối được lượng hàng hóa, khả năng sản xuất, khả năng cung ứng để tập trung vào những thực phẩm, sản phẩm thiết yếu với người tiêu dùng cũng như là những nhu cầu đặc biệt. Với nền tảng sử dụng công nghệ, chúng tôi cố gắng giảm bớt tối đa các khâu trung gian, bảo toàn về chất lượng và tối ưu về giá đến tay người tiêu dùng”, ông Hà Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ubofood Việt Nam cho biết.
Bên cạnh việc triển khai phòng hộ 3 lớp, vừa kiểm tra thân nhiệt, vệ sinh sát khuẩn cho khách hàng đi siêu thị, tránh làm lây lan dịch bệnh khi tiếp xúc với hàng hóa, nhiều siêu thị có đội ngũ nhân viên shipper còn kiểm tra thân nhiệt, theo dõi sức khỏe của người giao hàng, nhằm đảm bảo an toàn trong mùa dịch bệnh.
“Chúng tôi đều thực hiện những bước hướng dẫn của Bộ Y tế một cách nghiêm ngặt như đo thân nhiệt, ghi nhận nhiệt độ, sát khuẩn tay, khử trùng môi trường làm việc. Khi giao hàng tại nhà cho khách mua hàng, chúng tôi cũng tuân thủ qui định về tiếp xúc khách hàng, khử trùng sát khuẩn để mỗi khách hàng có thể an tâm nhận hàng hóa”, ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Chiến lược sản phẩm Lotte Mart thông tin thêm.
Không chỉ trong mùa dịch bệnh, hình thức mua sắm trực tuyến đang và sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng tất yếu phổ biến hiện nay. Khi tình hình dịch Covid 19 vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong những khó khăn chung, thì đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh phát triển mạnh hình thức bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, để có thể phát triển bền vững và chiếm được lòng tin của khách hàng, vấn đề chất lượng sản phẩm luôn cần được các đơn vị kinh doanh đặt lên hàng đầu.